Đại thần nhiếp chính Hoắc_Quang

Mâu thuẫn với cha con Thượng Quan

Hán Chiêu Đế Lưu Phất Lăng.

Trong số các vị phụ chính đại thần của Hán Chiêu Đế, thì Hoắc Quang là người có uy tín và quyền lực nhất, đứng đầu tất thảy. Trong vòng 6 năm từ 87 TCN đến 81 TCN, khi Chiêu Đế chưa thể tự mình quyết đoán việc nước, Hoắc Quang nắm quyền điều hành triều chính, đất nước vẫn được yên định. Do nắm quyền lực quá lớn dù không phải một mình ông được phó thác, đã tạo nên sự ghen ghét của một thế lực phụ chính khác là nhà Thượng Quan.

Con trai của đại thần phụ chính Thượng Quan KiệtThượng Quan An lấy con gái trưởng của Hoắc Quang làm vợ, nhưng hai nhà vẫn xảy ra mâu thuẫn. Năm 85 TCN, đại thần phụ chính còn lại là Kim Nhật Đê qua đời, chỉ còn Hoắc Quang và Thượng Quan Kiệt nắm quyền. Về phần Thượng Quan An và Hoắc thị, hai người cũng sinh được một người con gái, Kiệt nhờ Ngạc Ấp công chúa (chị Chiêu Đế) để đưa con gái vào làm Hoàng hậu[10][13], do đó thế lực họ Thượng Quan mạnh lên, lấn át Hoắc Quang.

Việc đưa Thượng Quan thị vào cung lúc đầu cũng bị Hoắc Quang phản đối, từ đó hiềm khích giữa ông và cha con Thượng Quan bắt đầu. Ngạc Ấp công chúa muốn cho người tình của mình lên quan, việc này được gia tộc họ Thượng Quan ủng hộ[14], xin Chiêu Đế phong cho người này làm tước Hầu và chức Quang Lộc đại phu, Hoắc Quang phản đối, cho rằng không thể phong chức cho người ngoài, nên việc này không thành. Sau đó, ông còn bác bỏ đề nghị phong chức tước cho gia tộc Thượng Quan, làm mâu thuẫn của hai bên ngày càng trầm trọng và bắt đầu kết oán với nhau[10]. Để chống lại Hoắc Quang, cha con Thượng Quan Kiệt và Ngạc Ấp công chúa và đại thần Tang Hoằng Dương liên kết với người con lớn của Hán Vũ Đế là Yên vương Lưu Đán, bàn mưu cùng nhau giết Hoắc Quang và đưa Lưu Đán lên làm Thiên tử.

Năm 81 TCN, cha con Thượng Quan giả danh Yên vương, nhân lúc Hoắc Quang kiểm tra cấm binh rồi điều một viên hiệu úy đến phủ tướng quân nhậm chức, dâng thư lên cho Chiêu Đế nói Hoắc Quang có ý tạo phản[10][15]. Nhưng Chiêu Đế, khi ấy 14 tuổi, cho rằng Hoắc Quang muốn tạo phản không cần tới tên hiệu úy, và việc này nếu Yên vương có biết thì trong một ngày cũng không thể đưa tin tới triều nhanh vậy được. Sau đó Chiêu Đế an ủi Hoắc Quang và cho bắt kẻ đưa thư (vốn là người của cha con Thượng Quan) để tìm kẻ vu cáo ông. Cha con Thượng Quan hoảng sợ, vội xin không điều tra nữa.

Năm 80 TCN, cha con Thượng Quan và Ngạc Ấp công chúa liên kết với Lưu Đán tạo phản, nhưng kế hoạch bị tiết lộ, Lưu Đán và Ngạc Ấp công chúa đều bị bắt tự vẫn, còn nhà Thượng Quan và Tang Hoằng Dương bị tru di. Sau sự kiện này, Hoắc Quang giao trả quyền hành lại cho Chiêu Đế, tuy nhiên ông vẫn giúp đỡ Chiêu Đế đắc lực. Hoắc Quang đã đề xuất nhiều chính sách quan trọng như đại xá thiên hạ, cổ vũ nông nghiệp, quay trở lại chính sách hòa thân để hòa hoãn với Hung Nô nhằm khôi phục lại nền kinh tế đất nước sau những năm chinh chiến liên tục của Vũ Đế[8][12]. Nhờ thế đất nước trở lại thái bình. Giai đoạn hưng thịnh này còn kéo dài đến thời Hán Tuyên Đế về sau và được gọi là Chiêu Tuyên trung hưng, quốc lực nhà Hán được khôi phục như thời Văn Cảnh sau nhiều năm binh đao thời Hán Vũ Đế.

Phế Xương Ấp vương, lập Tuyên Đế

Tháng 4 năm 74 TCN, Hán Chiêu Đế qua đời sau 13 năm cai trị, không có con nối dõi[12]. Hoắc Quang lại chọn người cháu nội của Hán Vũ Đế, con trai Xương Ấp Ai vương[16]Lưu Hạ lên kế vị[17], nhưng Lưu Hạ lại là người dâm loạn vô đạo, khi về Tràng An làm vua đã mang theo 200 thủ hạ, đến khi lên ngôi lại ăn chơi sa đọa, làm nhiều việc thất đức, không lo việc triều chính, quan hệ với các cung nữ của Chiêu Đế, lấy xe của hoàng thái hậu cho nô tỳ dùng, khiến các phép tắc trong triều bị đảo lộn. Chỉ trong 27 ngày, Lưu Hạ đã làm tất cả 1127 việc xấu. Hoắc Quang thấy vậy muốn phế đi, bèn tâu lên Thượng Quan hoàng thái hậu (cũng là cháu ngoại ông) phế Lưu Hạ và đuổi về nước Xương Ấp.

Sau khi bỏ Lưu Hạ, Hoắc Quang thương nghị với các đại thần và cuối cùng quyết định chọn người cháu chắt của Hán Vũ Đế, cháu nội thái tử Lưu Cứ là Lưu Bệnh Dĩ[18] lên làm vua, tức Hán Tuyên Đế[17][19]. Tuyên Đế lên ngôi, Hoắc Quang được quyển ["Bỉnh chính"] như cũ[8][20]. Tuy nắm quyền hành trong tay, song mọi việc trong triều ông đều giữ đúng phận bề tôi, bẩm lại với Tuyên Đế, vì thế được Tuyên Đế trọng vọng.

Ông muốn con gái mình là Hoắc Thành Quân cho Tuyên Đế, để từ đó gia tộc họ Hoắc lớn mạnh, trở thành thế lực ngoại thích mới trong triều. Triều thần bàn nhau lập Hoắc Thành Quân làm Hoàng hậu. Nhưng trong lúc đang bàn bạc việc này thì Hán Tuyên Đế ra chiếu chỉ yêu cầu tìm lại thanh gươm đã dùng thời kỳ thất thế, triều thần hiểu ý Tuyên Đế không quên người vợ đã kết tóc khi còn khó khăn, bèn cùng nhau xin lập Tiệp dư Hứa Bình Quân [21] làm hoàng hậu và được chấp thuận[22]. Việc này đụng chạm đến quyền lợi nhà họ Hoắc nên họ muốn trả thù.

Năm 71 TCN, Hoàng hậu Hứa Bình Quân lại mang thai. Vợ Hoắc Quang là Thị Hiển[23] tìm cách câu kết với nữ thầy thuốc trong cung là Thuần Vu Diễn, xui Diễn cho độc vào thuốc để hại Hứa Hoàng hậu. Khi ấy Thuần Vu Diễn đang muốn cho chồng được Hoắc Quang thăng chức, nên nhận lời và dùng phụ tử cho hoàng hậu uống. Vì vậy Hứa Bình Quân bị trúng độc và mẹ con đều chết. Tuyên Đế không thể truy cứu chuyện này vì thế lực họ Hoắc còn lớn, đành ngậm bò hòn làm ngọt, lập Hoắc Thành Quân làm Hoàng hậu[10]. Việc giết Hứa Hoàng hậu, cho dù có liên quan đến Hoắc Quang hay không thì cũng là một vết nhơ lớn trong cuộc đời của ông, dẫn đến kết cục bi thảm của họ Hoắc sau này.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hoắc_Quang http://zh.wikipedia.org/wiki/%E6%99%8B%E4%B9%A6 http://zh.wikisource.org/wiki/%E6%BC%A2%E6%9B%B8/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E6%BC%A2%E6%9B%B8/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E6%BC%A2%E6%9B%B8/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E6%BC%A2%E6%9B%B8/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E6%BC%A2%E6%9B%B8/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E6%BC%A2%E6%9B%B8/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E6%BC%A2%E6%9B%B8/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%E... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%BC%A2%E6%9B%B8/...